Tôi không phải sinh ra để làm về dịch thuật, nhưng từ khi tiếp xúc với ngành này, tôi phát hiện ra điểm mạnh của mình, và yêu cái ngành đó như một người bạn đồng hành.
Một cậu bé mới tốt nghiệp cấp hai vừa bước vào cấp ba, cũng là lần đầu tiên rời xa quê hương bước những bước chân trên nước bạn. Hồi đó nào đã biết dịch thuật là cái gì, chỉ biết tò mò không biết từ này hay câu này tiếng Việt là gì, cũng có thể là do lúc đó vốn tiếng Trung của tôi chưa được vững. Những câu từ trong toán lý hoá văn sử địa vân vân, muốn hiểu được phải lên mạng dịch máy, những phần mềm dịch thuật điển hình là Google Translate được học sinh áp dụng rất nhiều trong học tập. Và mỗi lần áp dụng phương thức đó dịch để hiểu kiến thức trên lớp, lại bị ba tôi trách mắng, nói đúng ra là ông trách tôi là bởi vì trong tiềm thức của ông không ủng hộ việc dịch máy. Những lúc như thế này, tôi đều hỏi ba làm thế nào để hiểu được nội dung bài, ba tôi nói rằng nhà mình là gia đình ngôn ngữ văn thơ, Việt Trung song ngữ, có ba ở đây sợ gì không hiểu, trình độ công nghệ của thế giới ngày càng đi lên, nhưng không hoặc chưa đồng nghĩa với việc dịch máy có thể thay thế phiên dịch viên, ít nhất thời điểm hiện tại và tương lai gần là điều chưa thể, dịch máy chỉ có thể dùng để hỗ trợ trong việc dịch ở mức cơ bản. Ở đây tiện thể cũng xin chia sẻ đôi chút về ba tôi. Ông bắt đầu học tiếng Trung từ những năm tháng còn là sinh viên đại học, hơn 30 năm trong ngành cùng với kinh nghiệm dịch thuật dày đặc giúp ông là một trong những người có tư cách nhất về vấn đề dịch máy hay người dịch, sau này ông vào làm tại cơ quan báo trí nhà nước về mảng tiếng Trung. Ông đi công tác tại một vài nơi, đó cũng chính là lý do tôi có cơ hội được theo chân của ông xuất ngoại.
Nhân đây, cũng xin chia sẻ một đôi điều về kinh nghiệm của phiên dịch viên Trung Việt. Sau khi đặt chân ra nước ngoài, tiếp xúc với một thứ ngôn ngữ mới, tôi cũng giống y như bao người khác, cũng nghĩ rằng dịch thuật thì có gì đâu, chỉ là biết hai thứ tiếng, chuyển ý từ tiếng này qua tiếng kia vậy là xong. Nhưng thực ra không đơn thuần như vậy. Trên thực tế, nếu tiếng chưa vững, và chưa quen với nghề, họ phải dùng đến từ điển để hiểu được nghĩa của từ đó là gì rồi sau đó tìm một từ nào đó cứng nhắc để dịch qua. Và nếu đã có một vốn tiếng kha khá và đã khá quen với nghề, thì cũng chưa chắc đã phiên dịch thành thạo. Trong logic tư duy bộ não của một người, chỉ có duy nhất một thứ tiếng hiện ra trong giây đầu tiên, thứ tiếng nào hiện ra đầu tiên, có nghĩa là họ đã thành thạo và dùng quen thứ tiếng đó một cách vô thức, họ phải dùng đến ít nhất nửa giây tiếp theo để chuyển ý của tiếng này ra tiếng kia, cuối cùng là phát âm ra miệng. Một người phiên dịch viên giỏi thực sự, họ cũng không tránh được trường hợp này, chỉ là rút ngắn hơn thời gian phản ứng của bộ não. Rất nhiều trường hợp phiên dịch viên bị dồn vào đường cùng, chẳng hạn như "múa rối nước", tiếng Trung là "水上木偶", hai từ này của hai thứ tiếng thông dịch viên nào cũng biết, nhưng lúc khách tự dưng hỏi đến, thì họ chưa chắc đã bật ta được. Một ví dụ nữa là "vô lăng", tiếng Trung là "方向盘", cũng giống như vậy, và lúc này cần đến kinh nghiệm của người đi dịch, có thể biểu đạt bằng tiếng Trung rằng "nó là cái tròn tròn tài xế dùng để điều chỉnh hướng đi của ô tô". Vậy nên trong dịch thuật, đa số công ty đều chia ra các mức khác nhau, có ba mức là: "mức đủ để hiểu", "mức cao cấp", và "mức bản địa hoá", họ tạo điều kiện cho phiên dịch viên khác nhau với trình độ khác nhau.
Nói tiếp về phiên dịch tiếng Trung tháp tùng, cũng không hề dễ dàng. Nói theo một cách đơn giản là, phiên dịch viên tiếng Trung tháp tùng còn khó khăn hơn cả hướng dẫn viên du lịch. Họ vừa phải đảm nhiệm việc phiên dịch mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn có thể 24/24, khách hàng là thượng đế, họ cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu liên quan đến dịch thuật của khách. Ngoài ra, họ còn phải đảm nhiệm thêm về mảng hướng dẫn du lịch, đặt cơm, mua hộ khách đồ này đồ kia vân vân. Ai bảo đi dịch là giàu, với một mức lương khiêm tốn, đồng thời phải hoạt động đi lại và nói không ngừng nghỉ, nói theo cách khác, họ là nhân viên vạn năng.
Tuy vậy, nhưng tôi là một người xuất thân từ gia đình ngôn ngữ, tối tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên và vô thức, có lẽ do ảnh hưởng từ bé, tôi yêu cái ngôn ngữ mà tôi đang biết, dịch thuật cũng là thứ nghề mà tôi luôn ủng hộ. Tôi cũng giống ba tôi, phản đối việc dịch máy sẽ vượt mặt người dịch, và vì tôi cũng đã được nếm cái khổ dãi dầm nắng mưa của người đi dịch. Vận dụng bộ não để kiếm được đồng tiền, kể cả ít cũng là điều vinh quang.