Từ học tiếng Hoa đến việc trở thành phiên dịch viên

28/12/2020, 15:16

Từ học tiếng Hoa đến việc trở thành một phiên dịch viên tiếng Trung cần bao lâu? Có bao nhiêu bước từ việc học tiếng Hoa đến dịch thuật? Điều này có vẻ giống như một "câu hỏi thừa". Biết tiếng Hoa không dịch được sao? Thực ra không phải vậy. Không phải là bạn biết nghĩa của hàng chục ngàn từ tiếng Hoa và bạn có thể nói chuyện phiếm với người Trung Quốc một cách lưu loát là đã dịch được.

Bước đầu tiên là trình độ của tiếng mẹ đẻ. Đối với một người học tiếng Trung, trình độ tiếng mẹ đẻ của anh ta ảnh hưởng trực tiếp đến việc anh ta có thể thành thạo tiếng Trung. Thậm chí có thể nói rằng trình độ tiếng mẹ đẻ có quan hệ mật thiết với trình độ tiếng Trung. Nếu bạn chỉ chú ý đến việc học tiếng Trung, chắc chắn bạn sẽ đi đến một giới hạn ở một giai đoạn nhất định, vì vậy bạn phải chú ý đến việc mở rộng và tích lũy kiến thức và tài liệu tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống học tập thường ngày của bạn. Xin hãy đừng nghĩ rằng "tôi là người Việt Nam, tiếng mẹ đẻ của tôi ắt phải giỏi". Ngôn ngữ là một kho tàng kiến thức, nó bao gồm tất cả các phương diện như văn hoá, lịch sử, khoa học kỹ thuật v.v… Một số nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học cũng đồng thời là dịch giả, như: Lỗ Tấn, Tiền Chung Thư, Trương Ái Linh, v.v.

Bước thứ hai là kiến thức chuyên môn. Các dự án phiên dịch tiếng Trung mà các dịch giả nhận được thường không phải là câu truyện cổ tích trước khi đi ngủ của các bà mẹ, hoặc những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày cay đắng ngọt bùi của các cặp vợ chồng trẻ (đôi khi lắm cũng có xuất hiện), mà hầu hết nội dung cần đến dịch thuật thường là: bản kế hoạch của một đơn vị giáo dục nào đó, hướng dẫn sử dụng máy móc, bản kế hoạch của quản lý đô thị, các thể loại hợp đồng, thủ tục kết hôn và ly hôn, thậm chí là hiến pháp hoặc một bộ luật nào đó ... Trong những trường hợp như vậy, cứ cho là bạn đã rất thành thạo tất cả những tên gọi của các hãng sản phẩm nổi tiếng, hay bạn đã giao tiếp rất thành thạo với người bản địa, thì cũng không có ích gì. Không có kiến thức về một hoặc nhiều lĩnh vực chuyên ngành, việc bạn học tiếng Trung sẽ trở nên vô dụng trong ngành dịch thuật. Theo một cách nói khác, thứ mà bạn biết chỉ ở mức giới hạn là học ngoại ngữ.

Bước thứ ba là kinh nghiệm thực tế. Bước này có thể nói là áp dụng cho bất kỳ ngành nghề nào. Kinh nghiệm trong ngành là ưu tiên hàng đầu của tất cả các công việc! Nếu bạn chưa quen với ngành này, bạn có thể bắt đầu với các bản thảo nhỏ đơn giản, chọn một hoặc hai lĩnh vực để nghiên cứu thêm và từ từ tích lũy kinh nghiệm, và hãy luôn nhớ rằng bạn còn có thể đi xa hơn nữa.

Một khi đã nắm được ba bước trên, cơ bản là bạn đã bắt đầu bước chân vào ngành dịch thuật. Dịch thuật không đơn thuần là đối chiếu từ tiếng này sang tiếng kia, mà còn là một bộ môn nghệ thuật của ngôn ngữ.

Ý kiến bạn đọc